Hướng dẫn xử lý nước để sinh hoạt khi mưa lũ
Để đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường, phòng chống nguy cơ ô nhiễm môi trường sau thiên tai mưa lũ, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đề nghị Sở y tế các tỉnh, thành phố xảy ra ngập lụt do cơn bão số 12 đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, quản lý chất thải sau bão lũ.
Theo đó, Sở Y tế các tỉnh, thành: Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận cần chỉ đạo đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình ngập lụt, công tác đảm bảo nước sạch để người dân dùng trong ăn uống; tình hình vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn.
Đồng thời, các đơn vị bố trí, cung cấp đủ hóa chất, phương tiện, trang thiết bị để xử lý nước, xử lý môi trường như CloraminB, viên Aquatabs, máy phun hóa chất diệt khuẩn.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trên cũng cần tích cực hỗ trợ, hướng dẫn y tế cơ sở, người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường, thu gom, xử lý xác súc vật chết, xử lý giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và loại bỏ tác nhân gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút.
Các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ Clo dư luôn đạt 0,3 - 0,5 mg/lít tại vòi sử dụng, tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước hộ gia đình…
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đối với nước dùng để ăn uống, cách đơn giản nhất để làm sạch nước trong trường hợp giếng nước bị ngập là dùng phèn chua hoặc lọc nhiều lần bằng vải sạch.
Trong thời gian lũ lụt, người dân không ăn rau sống lấy từ vùng ngập lụt. Trường hợp không có điều kiện đun nấu, tốt nhất sử dụng các loại mỳ ăn liền đóng gói, thức ăn đóng hộp, nước uống đóng chai còn nguyên vẹn. Nước dùng cho ăn uống phải được khử trùng và đun sôi. Các nguồn thực phẩm cứu trợ phải có nguồn gốc và còn hạn sử dụng.
Trong khi ngập lụt, gia súc, gia cầm không thả rông, tránh làm ô nhiễm môi trường, vệ sinh chuồng trại và tẩy uế hàng ngày bằng các loại hóa chất thông thường như vôi bột, Cloramin B. Nếu thấy gia súc, gia cầm có biểu hiện mắc bệnh phải cách ly hoặc tiêu hủy (chôn hoặc đốt)…