Đừng quên thị trường nước tinh khiết
Người giàu ở các khu “cao cấp” như Hưng Vượng, GrView, Hoàng Anh Gia Lai, chung cư Tản Đà… đều đều dùng ấm đun nước siêu tốc,bình thuỷ điện để nấu nước nóng pha trà, pha cà phê, pha sữa cho trẻ em. Còn thay cho bình nước lọc quen thuộc là máy nước nóng lạnh xài loại bình “úp” 20 lít, hay kệ bình nước uống nắp nhấn. Còn người ít tiền trong các khu nhà trọ ở Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức, quận 8, khu công nghiệp Tân Tạo… với mức lương phải tằn tiện mới đủ sống, cũng đẫ xài nước đóng bình. Bởi nếu tính toán chi phí cho gas, cho điện thì mua bình nước 7.000 – 8.000đ/20 lít còn rẻ hơn tự nấu. Và quan trọng hơn, ở những khu vực nước máy lúc có lúc không, thường xuyên bị tình trạng nước ố vàng, có cặn, có mùi hôi… thì làm sao mà nấu, mà lọc cho sạch, chỉ còn cách dùng nước đóng bình như giải pháp “bảo vệ sức khoẻ”.
Chính hiện trạng nước uống và nhận thức của cộng đồng đã thay đổi nên những cơ sở sản xuất nước liên tục ra đời. Nhu cầu ngày càng cao, lợi nhuận khá tốt, nhưng các nhà sản xuất kinh doanh nước tinh khiết lại chủ yếu cạnh tranh bằng giá thành, thay là bằng chất lượng. Hậu quả nhãn tiền là hơn 50% trong tổng số gần 400 cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai không bảo đảm an toàn vệ sinh là điều dễ hiểu.
Nước có chất lượng đảm bảo, giá cao, là điều bình thường. Nhưng xét về lợi thế sản xuất quy mô, thì doanh nghiệp có thương hiệu có thể giảm giá thành, nếu họ tổ chức được kênh phân phối tốt. Khó có thể đổ lỗi cho sự yếu kém trong quản lý hay điều hành kênh phân phối của các nhà sản xuất có tiếng trong nước. Hình như khi thói quen tiêu dùng nước uống hàng ngày của người dân Sài Gòn đã thay đổi rất nhiều, mà các nghiên cứu thị trường có thể đã bỏ sót một cơ hội ghi bàn.