Cận cảnh hoang phí ở dự án xử lý nước thải 34 tỷ đồng

04/12/2017 17:27
Cụm công nghiệp (CCN) chế biến hải sản Thạch Kim (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) được đưa vào hoạt động cuối năm 2014, một năm sau đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Thế nhưng, từ khi hoàn thành đến nay hệ thống xử lý nước thải của cụm công nghiệp này bỏ không.

Rác thải bao vây công trình xử lý nước thải

Công trình xử lý nước thải ở cụm công nghiệp chế biến hải sản Thạch Kim được quy hoạch xây dựng trên diện tích 5,3 ha với tổng kinh phí đầu tư lên đến 34 tỷ đồng. Chỉ tay về phía có nhiều rác thải, cây dại mọc um tùm, ông Nguyễn Minh Hòa (chủ cơ sở chế biến hải sản Hải Hòa) nói: “Đây là hệ thống xử lý nước thải của cụm công nghiệp”.

 ha tinh: can canh hoang phi o du an xu ly nuoc thai 34 ty dong hinh anh 1

Cỏ dại mọc um tùm bên công trình xử lý nước thải này.

Theo hướng chỉ tay của ông Hòa, toàn bộ khu vực hệ thống xử lý nước thải là một vùng hoang phế, rác rưởi, cỏ dại mọc um tùm. Hệ thống ống sắt đều đã gỉ sét; những bộ phận ống nhựa dẫn nước từ bể này qua bể khác đã bị vỡ nham nhở.

 ha tinh: can canh hoang phi o du an xu ly nuoc thai 34 ty dong hinh anh 2

Những bộ phận ống nhựa dẫn nước từ bể này qua bể khác đã bị vỡ nham nhở

Ông Nguyễn Minh Hòa cho biết: “Hải sản mua về đều phải rửa sạch rồi mới chế biến nên tốn khá nhiều nước. Đặc biệt, đối với chế biến ruốc, việc vệ sinh sân bãi, bạt, dụng cụ tốn rất nhiều nước. Một tấn ruốc, tính ra phải tốn đến 3-4m3 nước. Nếu tính cả cụm công nghiệp này, mỗi năm có hàng nghìn m3 nước thải. Trong cụm khu công nghiệp này cũng có hệ thống xử lý nước thải, tuy nhiên hoạt động như thế nào tôi không rõ, vì một số hạng mục trong công trình đã xuống cấp”.

Bên công trình tiền tỷ là những đống rác nằm chềnh ềnh

Còn ông Phạm Văn Hội (chủ cơ sở đông lạnh Hội Tạo) cho hay: “Cá mua về phải rửa sạch rồi mới tiến hành cấp đông. Tính cả nước rửa cá, vệ sinh sân bãi, dụng cụ, trung bình mỗi tấn cá hết khoảng 2m3 nước. Điều đó đồng nghĩa với 1 tấn cá sẽ có 2m3 nước thải thải ra môi trường tự nhiên.

Chúng tôi làm hệ thống thoát nước từ cơ sở chế biến ra mương chính của cụm công nghiệp. Sau mỗi mẻ cá được cấp đông, tất cả nước thải đều chảy xuống mương. Tuy nhiên, từ khi làm đến nay, hầu như không thấy hệ thống xử lý nước thải vận hành; nước thải của cả cụm cũng không thấy chảy ra qua hệ thống xử lý”.

Mỗi tháng vận hành một lần!

Theo quan sát, một số hạng mục của công trình đã xuống cấp như hệ thống đường ống bị nứt, bên trong hệ thống bể lóng, dọc đường ống rác thải, cỏ dại bủa vây.

ha tinh: can canh hoang phi o du an xu ly nuoc thai 34 ty dong hinh anh 4

Hệ thống xử lý nước thải ở cụm cộng công nghiệp gần như không hoạt động, hệ thống đường ống xuống cấp, rác thải vứt bừa bãi

Khi phóng viên tiếp cận hiện trường, ông Trần Quang Liễu (bảo vệ tại cụm công nghiệp) phân trần: “Trước đây hệ thống xử lý nước thải này hoạt động được, nhưng đến thời điểm này tôi không biết như thế nào vì tôi cũng mới nhận công việc bảo vệ ở đây”.

 ha tinh: can canh hoang phi o du an xu ly nuoc thai 34 ty dong hinh anh 5

Hệ thống đường dẫn nước qua xử lý để thải ra biển cạn khô, mốc meo, đầy rẫy rác thải

Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, ông Nguyễn Đức Dũng - Trưởng ban Quản lý CCN chế biến hải sản Thạch Kim thừa nhận, hệ thống xử lý nước thải không vận hành từ lâu nay.

 “Lâu nay, hệ thống không vận hành vì không có nước. Nước thải từ CCN chưa nhiều và cũng có thể rò rỉ, tắc ở hệ thống mương trong CCN nên không có nước chảy ra hệ thống xử lý. Để tránh hỏng thiết bị, trung bình vận hành hệ thống máy 1 lần/ tháng” - ông Dũng nói.

Nói về vấn đề giải quyết tình trạng này, ông Nguyễn Đức Dũng cho biết: "Sắp tới chúng tôi sẽ cho kiểm tra xem nước bị rò rỉ hay tắc ở đâu đó trong hệ thống mương để xử lý; đồng thời, sẽ xin nguồn vốn để duy tu, sửa chữa lại nhằm đưa hệ thống vào hoạt động hiệu quả”.